Hàm MATCH trong Excel và cách sử dụng

Trong thư viện các hàm của Excel, có rất nhiều hàm và cách kết hợp có thể giúp chúng ta giải quyết được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, còn có những hàm rất mạnh khi xử lý và tìm kiếm. Xin giới thiệu các hàm MATCH và cách sử dụng.

Hàm MATCH trong Excel giúp tìm kiếm một giá trị cụ thể trong một dãy các ô, và đưa ra vị trí tương đối của giá trị đó.

Cú pháp:

MATCH(lookup_value, lookup_array, [match_type])

  • Lookup_value (bắt buộc): là giá trị muốn tìm. Có thể là số, chữ, giá trị logic hoặc ô tham chiếu
  • Lookup_array (bắt buộc): là dãy các ô cần tìm kiếm
  • Match_type (tuỳ chọn): xác định loại tìm kiếm. Có thể nhận một trong các giá trị sau: 1, 0, -1. Khi đặt match_type bằng 0, giá trị trả về là chính xác, trong khi hai loại còn lại cho giá trị xấp xỉ.
    • Nếu match_type=1 hoặc không ghi gì (mặc định): tìm giá trị lớn nhất trong dãy tìm kiếm sao cho giá trị đó nhỏ hơn hoặc bằng giá trị tìm kiếm. Loại này yêu cầu sắp xếp dãy tìm kiếm theo thứ tự tăng dần, từ nhỏ nhất đến lớn nhất hoặc từ A đến Z
    • Nếu match_type=0: tìm giá trị đầu tiên trong dãy bằng đúng giá trị tìm kiếm. Không yêu cầu sắp xếp dãy tìm kiếm
    • Nếu match_type=-1: tìm giá trị nhỏ nhất trong dãy lớn hơn hoặc bằng giá trị tìm kiếm. Dãy tìm kiếm nên được sắp xếp theo thứ tự giảm dần, từ to nhất đến nhỏ nhất hoặc từ Z đến A.

Ví dụ: Ta có bảng kết quả học tập như dưới đây.

Để tìm ra số thứ tự một học sinh cụ thể (ví dụ Đào Văn A), tại ô H3, sử dụng công thức sau:

=MATCH(H2;C3:C10;0)

Trường hợp này, tham số match_type được nhập vào là 0. Điều này có nghĩa, không yêu cầu sắp xếp giá trị trong dãy tìm kiếm. Công thức MATCH cho chúng ta biết rằng Đào Văn A có số thứ tự là 3 trong dãy giá trị tìm kiếm.

Để hiểu hơn về cách sử dụng hàm MATCH, các bạn thay đổi tham số match_type = 1 và match_type = -1 để thấy sự kết quả. Lưu ý:

  • Dùng match_type = 1: Dãy phải sắp xếp tăng dần
  • Dùng match_type = -1; Dãy phải sắp xếp giảm dần

Cách sử dụng hàm Match trong Excel

1. Hàm Match với các ký tự đại diện

Giống như các hàm Excel khác, hàm MATCH hiểu những kí tự đại diện sau:

  • Dấu hỏi (?): thay thế cho một ký tự
  • Dấu hoa thị (*): thay thế cho một chuỗi các kí tự

Lưu  ý: Ký tự đại diện chỉ được sử dụng trong công thức hàm MATCH với match_type là 0.

Công thức Match với kí tự đại diện được dùng trong trường hợp bạn muốn tìm vị trí của một vài kí tự hoặc một phần của chuỗi văn bản. Để minh hoạ rõ hơn, chúng ta hãy xem ví dụ sau:

Giả sử có bảng kết quả sau:

Yêu cầu: Tìm thứ tự của người có tên Anh

Cách giải quyết: Tìm thứ tự người có tên Anh, không quan tâm đến Họ và tên lót. Như vậy, sẽ biểu diễn giá trị tìm kiếm loolup_value là: “*Anh”

Lưu ý:

  • Không phân biệt chữ hoa/thường trong giá trị kiểu chuỗi, trừ khi kết hợp với hàm EXACT)
  • Đối với trường hợp này, match_type được sử dụng là 0 (Nếu sử dụng -1, dù dãy sắp xếp tăng hay giảm, kết quả đều trả về vị trí thứ tự cuối cùng; Nếu sử dụng 1, kết quả là #N/A

Công thức tại H3 như sau:

= MATCH(“*Anh”;C3:C10;0)

Kết quả trả về là vị trí thứ 2 như hình trên

2. Hàm MATCH với tìm kiếm chữ hoa/thường

Giả sử có ví dụ sau đây:

Cần tìm xem vị trí mã lớp sai (Qlnn2021) ở vị trí thứ bao nhiêu (đúng phải là in hoa (QLNN2021)), ta sử dụng kết hợp hàm MATCH và hàm EXACT như sau:

= MATCH(TRUE;EXACT(D3:D10;I2);0)

Khi nhập công thức xong, sử dụng tổ hợp phím Ctrl+Shift+Enter (thay vì Enter như thường lệ) vì đây là công thức chuỗi.

Kết quả chúng ta có như hình trên.

Nguyên tắc xử lý của công thức trên:

  • Hàm EXACT so sánh giá trị tìm kiếm với mỗi yếu tố của dãy tìm kiếm. Nếu ô được so sánh bằng chính xác, hàm trả giá trị TRUE, ngược lại là FALSE
  • Sau đó, hàm MATCH so sánh TRUE (giá trị tìm kiếm của nó) với giá trị trong dãy được trả lại bởi hàm EXACT, và trả lại vị trí của giá trị trùng đầu tiên.

Như vậy, Môi Trường Số đã giới thiệu với các bạn cách sử dụng hàm MATCH rất đơn giản và dễ sử dụng. Ngoài ra, MATCH sẽ khắc phục một số hạn chế khi sử dụng hàm VLOOKUP và HLOOKUP. Môi Trường Số sẽ đề cập đến sự kết hợp giữa hàm MATCH và các hàm VLOOKUP, HLOOKUP trong bài viết tới. Các bạn nhớ theo dõi nhé.