Chiếu cói Nga Sơn miền quê cổ tích

Từ thuở xưa, người dân Việt Nam đã biết tận dụng những ưu đãi của thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Người dân một số địa phương đã rất khéo léo nhào nặn, đan lát để tạo cho mình những vật dụng vô cùng hữu dụng và cần thiết như xe đay, dệt chiếu, dệt vải, thủ công mỹ nghệ … Chiếu cói Nga Sơn là một trong số ấy.

Trong đời sống thường ngày, những thảm chiếu mềm mại đã ru chúng ta vào những giấc ngủ êm đềm. Và cũng từ những cây đay, sợi cói ấy đã tạo nên rất nhiều vật dụng đặc sắc, có giá trị. Thậm chí ngày nay còn được sử dụng rộng rãi và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Đồ mỹ nghệ được đan lát từ cói Nga Sơn

Đặc điểm của cây cói

Cói là cây thảo nhiều năm, sống ở vùng nước lợ ven biển. Thân khí sinh mọc thành cụm với thân ngầm cứng, mập, bò lan trong đất thường gọi là củ. Thân ngầm có mùi thơm, vị cay, hơi đắng, vò bên ngoài màu xanh, thịt bên trong màu trắng.

Cây cói trồng ở đâu?

Một số vùng đất cái nước lợ (pha mặn) ở cửa sông cửa biển mới là điều kiện để cây cói sinh sôi và phát triển. Chẳng hạn như: Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Cà Mau … Nhưng cói ở vùng đất Nga Sơn (Thanh Hóa) và Cồn Thoi (Ninh Bình) là nổi bật hơn cả. Đó là chiều dài của cây cói, sự mềm mại dẻo dai và bóng mượt. Chúng không dòn gãy như những nơi khác …

Cánh đồng cói bao la bát ngát trong những ngày hè

Có lẽ vậy, mà chiếu coi Nga Sơn đã đi vào ca dao mà ai cũng đã từng nghe, từng nhắc đến:

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông

Về với Nga Sơn những ngày tháng 6, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các anh, các chị đang miệt mài trên những cánh đồng để thu hoạch cói; bắt gặp cả hình ảnh những ruộng cói xanh mướt, trải dài dưới ánh nắng vàng; cói phơi trắng những cánh đồng, những bãi cát, triền đê, con đường… Và trong những khoảng sân nhỏ trước hiên nhà.

Tuổi thơ và cây cói

Hôm nay viết bài này, tác giả cũng thật bồi hồi nhớ lại hơn 30 năm về trước. Tuổi thơ khi còn là những đứa trẻ đã gắn liền với cây cói. Tháng 6 đến, khi tiếng ve râm ran khắp làng quê, hoa phượng rợp đỏ trời, chúng tôi lại cùng cha mẹ đi làm cói.

Mỗi gia đình đều chuẩn bị vật dụng như xoong chảo, nồi niêu, bát đũa, lương thực, nước uống, chăn màn … để ra sống ở đồng cói.

Vào mùa thu hoạch, phải cắt cói và chẻ cói từ nửa đêm, để khi mặt trời lên là phơi cói. Cói được phơi khắp các triền đê, khắp các ruộng cói đã thu hoạch. Phải canh để trở cói khô cho đều sợi, canh để trời mưa còn kịp che chở cho cói. Vì vậy, mọi gia đình đều ăn ngủ, sinh hoạt tại cánh đồng cói hàng tháng trời.

Người dân thu hoạch cói

Huyện Nga Sơn có 8 xã trồng nhiều cói, với diện tích gần 1.500ha. Trong đó nhiều nhất tại các xã: Nga Liên, Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến. Nơi đây, cuộc sống của người dân đều nhờ vào cây cói. Cói được dùng để dệt chiếu, làm lõi, làm thủ công mỹ nghệ…

Mỗi năm, cói có 2 vụ chính là vụ chiêm và vụ mùa. Làm cói mất rất nhiều thời gian và công sức. Thông thường, trong một ngày, khoảng 4 người mới làm xong 1 sào cói. Và để tránh nắng nóng, người dân ra đồng thu hoạch cói từ rất sớm.

Chẻ cói – Một chi tiết quan trọng của nghề làm cói

Công việc chẻ cói được diễn ra ngay trên những cánh đồng. Mỗi máy chẻ thủ công gồm 2 người ngồi hai đầu và phải kéo cói cho thẳng, tránh để cói mấp gốc hoặc ngọn. Trước khi chẻ, cói được nhặt bông cho sạch. Đây là công việc yêu cầu sự khéo léo của đôi tay. Vì chỉ cần sơ suất nhỏ, có thể sẽ bị lưỡi dao của máy chẻ cói chém vào ngón tay.

Phơi cói trên những cánh đồng cói đã thu hoạch

Công đoạn làm cói rất vất vả, không chỉ chẻ cói, phơi cói, mà còn phải dũ cói. Việc dũ cói để loại ra những cây cói ngắn và chọn lọc cây cói dài. Cây cói ngắn (gọi là cói 50 phân) để dệt chiếu giường cá đơn (giường một). Sợi cói chết (bổi) dùng để lợp mái nhà, pha lẫn cói xấu để dệt sợi …

Cói sau khi chẻ thường được phơi ngay trên những ruộng vừa thu hoạch xong hoặc trên các bãi cát. Số ít được người dân mang về phơi tại nhà. Cói có thể được phơi thẳng hàng..

Phơi cói
Những sản phẩm được lam từ cây cói
Những hàng cói trông rất đẹp mắt
Chiếu cói Nga Sơn

Tạm kết

Đến đây, xin được dừng lại những nét đẹp của cây cói và cuộc sống của người dân vùng trồng cói. Trong bài viết sắp tới, Môi Trường Số sẽ tiếp tục gửi đến quý độc giả những hình ảnh nổi bật khác từ cây cói, và công dụng tuyệt vời của cây cói: Bài thuốc từ cây cói.